Cùng với nhu cầu sử dụng dược phẩm từ thiên nhiên ngày càng tăng cao, với sự tiến bộ của y dược học hiện đại, các loại thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược ngày càng được phát triển mạnh mẽ.
Bạn có biết rằng khoảng 25% các loại thuốc theo bán theo đơn trên toàn thế giới có nguồn gốc từ thực vật? Trong số 252 loại thuốc được liệt kê tại danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, có tới 11% là thuốc độc quyền có nguồn gốc thực vật. Thực tế, khoảng 200 năm trước, hợp chất dược lý đầu tiên là morphine đã được chiết xuất từ vỏ hạt của cây anh túc. Kể từ đó, các nhà khoa học đã đầu tư nghiên cứu thực vật để tạo ra các sản phẩm thảo dược thường gặp hiện nay. Đặc biệt, từ thực trạng lạm dụng thuốc Tây và các sản phẩm hóa dược, loài người đang phải đối mặt với vi khuẩn kháng thuốc, khả năng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột và nguy cơ không thể điều trị bệnh tận gốc, con người bắt đầu chú ý hơn đến tự nhiên là thảo dược hay dược thảo (Herbal Medicine).
Thảo dược là gì?
Đây là những sản phẩm (thuốc hay thực phẩm chức năng) có nguồn gốc từ thực vật tự nhiên được sử dụng để điều trị/hỗ trợ điều trị bệnh. Những sản phẩm này là hỗn hợp phức tạp của các hóa chất hữu cơ có thể đến từ bất cứ phần nào trên thực vật (hoa, quả, lá, cành, rễ...) ở dạng tươi hoặc đã qua sơ chế, chế biến, chiết dịch. Các sản phẩm thu được từ chiết tách dược thảo là hàng chục hóa chất, bao gồm: Acid béo, sterol, ancaloit, flavonoid, glycosid, saponin và nhiều hơn nữa.
Thảo dược xuất hiện trong mọi nền văn hóa trên thế giới. Có thể kể tới một số cái tên như:
- Hệ thống y học cổ truyền Trung Hoa.
- Y học cổ truyền Việt Nam.
- Hệ thống y học Ayurvedic Ấn Độ.
- Dược thảo cổ truyền Anh Quốc.
- Ngành y dược thảo mộc thiên nhiên châu Âu với các phong trào như: Phong trào chữa trị thiên nhiên (European Nature Cure Movement), Phong trào chọn lựa (Electic Medical Movement), Phong trào của các nhà y lý (Physiomedicinalist Movement)....
Theo ước tính của WHO, 80% người dân trên toàn thế giới dựa vào dược thảo để chăm sóc sức khỏe ban đầu và lợi nhuận thu được từ các thị trường dược thảo toàn cầu hàng năm lên tới 60 tỷ USD.
Nhìn chung, nên sử dụng dược thảo vì những lợi ích sau:
Đa tác dụng
Thảo dược là phương pháp điều trị thay thế hiệu quả cho những căn bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài, bao gồm: Bệnh tim mạch, các vấn đề tuyến tiền liệt, trầm cảm, viêm và hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Thực tế, trong số 177 loại thuốc đã được phê duyệt trên toàn thế giới cho điều trị ung thư, có hơn 70% dựa trên các sản phẩm tự nhiên hoặc hóa chất chiết tách từ thảo dược.
Bên cạnh đó, mỗi loài thảo dược có thể có nhiều công dụng điều trị/hỗ trợ điều trị bệnh trên tổng thể chứ không chỉ tập trung vào một bệnh cụ thể.
Giá cả phải chăng
Đối với đa số các thảo dược, chi phí cho nguyên liệu và điều chế nhìn chung là thấp. Từ đó, chi phí điều trị trong nhiều trường hợp là rất thấp hoặc thấp hơn rất nhiều so với các phương pháp điều trị hiện đại khác. Tuy nhiên với một số thảo dược quý hiếm, để sở hữu nó bạn cũng sẽ phải trả những khoản tiền không hề nhỏ.
Dễ mua hơn thuốc bán theo đơn
Các sản phẩm thảo dược, như chiết xuất thảo dược, tinh dầu và loại trà thảo dược… hầu như có sẵn trong hầu hết các cửa hàng thực phẩm sức khỏe, hiệu thuốc y học cổ truyền, thậm chí là các cửa hàng tạp hóa và rất ít khi phải xin đơn của bác sỹ.
Dễ sử dụng
Ngoại trừ một số vị thuốc được chế biến, sao tẩm cầu kỳ, phần lớn các thảo dược được thu hái, sơ chế, bảo quản và chế biến dễ dàng. Hầu như ai cũng có thể tiếp thu và thực hiện.
An toàn
Ngoại trừ một số loài thảo dược có chứa độc tố hoặc không phù hợp với cơ địa của một số người, phải thận trọng khi dùng, thì đa số các loại thảo mộc về cơ bản không có tác dụng phụ. Nó có thể được sử dụng cho hầu như bất cứ ai, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và cho con bú. Đa số thảo dược không có liều nguy hiểm và ít khi gây nghiện. Thậm chí nó còn được dùng như gia vị trong các bữa ăn thường ngày.